Viêm dạ dày là do niêm mạc dạ dày xuất hiện vùng tổn thương. Người bệnhcảm thấy đau cồn cào như thắt lại mỗi khi đói; đau vùng thượng vị đi kèm là cảm giác buồn nôn, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua… Các thảo dược như chè dây, dạ cẩm, bạch truật đều có giá trị điều trị nhất định căn bệnh này.
Chè dây: Có tác dụng diệt vi trùng, vi khuẩn, giảm độ axit tại dạ dày, cắt cơn đau, thời gian cắt cơn đau trung bình của chè dây từ 8 – 15 ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian, chè dây có giá trị về mặt dược liệu rất quý; giúp cho bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng dễ liền sẹo; giúp tiêu hóa tốt, ăn uống ngon miệng, dễ ngủ, những người bị viêm loét dạ dày – tá tràng, uống một thời gian dài thấy bệnh đỡ dần và hết đau.
Cao chè dây không gây ngộ độc cấp tính, không ảnh hưởng tới các chỉ số hóa sinh, huyết học, không ảnh hưởng đến chức năng sinh sản, không gây tương tác với các loại thuốc khi dùng trong thời gian dài. Các nghiên cứu trên lâm sàng cũng đều cho thấy chè dây không có tác dụng phụ như đầy bụng, nôn mửa hoặc khó chịu, mệt mỏi, nhức đầu hoặc các biểu hiện dị ứng.
Chè dây thường hái toàn thân cả lá vào lúc cây chưa có hoa quả, đem về rửa sạch cắt nhỏ, phơi khô, sao qua rồi hãm với nước đun sôi như pha chè uống thay nước. Phơi khô có mùi thơm nhẹ. Sau khi sao mùi thơm càng rõ hơn. Nước chè dây có vị hơi ngọt, uống rất dễ chịu…
Cây chè dây dùng tốt cho người bệnh dạ dày – tá tràng.
Chè dây thuộc tính “hàn lương” (mát lạnh). Ngày dùng 20-30g, sắc uống thay trà hàng ngày. Mỗi đợt uống liên tục từ 15-20 ngày.
Dạ cẩm: có tác dụng làm giảm đau, trung hòa axit trong dạ dày, bớt ợ chua, vết loét se lại, người bệnh có cảm giác khoan khoái, nhẹ nhàng. Ngoài ra dạ cẩm còn được dùng trị bệnh ngoài da, viêm loét miệng, nhiệt miệng.
Trong Đông y, có nhiều cách sử dụng dạ cẩm chữa đau dạ dày như dùng dạng thuốc sắc, cao dạ cẩm hay siro. Cách dùng qua nghiên cứu và ứng dụng tại bệnh viện như sau.
Dạng thuốc sắc: Lá dạ cẩm khô 10 – 20g, sắc uống, có thể thêm đường cho dễ uống, ngày uống 2 – 3 lần, uống trong ngày. Uống trước khi ăn hay vào lúc đau.
Cao dạ cẩm: Lá dạ cẩm khô 3,5kg, đường kính 1kg, mật ong 500ml. Nấu lá dạ cẩm với nước thành cao, cho đường vào đánh tan, cô lại. Cuối cùng cho mật ong vào đóng thành chai dùng dần. Ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần 10 – 15ml, uống trước khi ăn hoặc khi đau.
Cây dạ cẩm có tác dụng giảm đau, trung hòa axit trong dạ dày.
Cốm dạ cẩm: Bột dạ cẩm 3,5kg, cam thảo 0,5kg, đường kính 1kg, tá dược vừa đủ dính (hồ, nếp) thêm đường và sacarin vừa đủ ngọt. Ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau, mỗi lần dùng 10 -15g, trẻ em dưới 18 tuổi 5 – 10g.
Bạch truật: có công dụng phòng chống và điều trị viêm loét dạ dày, giảm nhanh các cơn đau, giảm cảm giác nóng rát vùng thượng vị, trợ giúp tiêu hóa, ăn ngon miệng. Điều trị các chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón, đi lỏng, ợ chua, ợ hơi.
Giảm lượng dịch vị dạ dày tiết ra trong khi không làm giảm lượng axit tự nhiên có trong dịch vị dạ dày. Ngoài ra nhiều nghiên cứu của y học hiện đại và y học cổ truyền cho thấy: các thành phần hóa học có trong cây bạch truật có tác dụng kháng viêm, chống phù nề, tăng cường khả năng tiết mật, thúc đẩy chức năng giải độc gan, chống viêm nhiễm.Nước sắc từ cây bạch truật có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt, ức chế sự đông máu.
Đông y và dân gian có nhiều cách sử dụng cây bạch truật chữa bệnh đau dạ dày khác nhau. Dùng sống: sắc hoặc tán thành bột uống. Ngày uống 6-12g.
Bên cạnh việc dùng thuốc để dự phòng và điều trị bệnh viêm dạ dày trong cộng đồng, chế độ dinh dưỡng, làm việc, lối sống có vai trò rất quan trọng.
Cần thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng phải đầy đủ và cân đối, không nên ăn/uống quá nhiều chất kích thích, thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, thức ăn nhiều chất béo. Ăn đúng bữa, đúng giờ, không ăn quá khuya. Không nhịn đói cũng không ăn vội. Hạn chế uống rượu, bỏ hút thuốc lá. Chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, không thức khuya, tránh làm việc quá sức, giảm căng thẳng lo âu để phòng ngừa và điều trị căn bệnh này.
DS. Phạm Minh Dương
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/thao-duoc-tri-viem-da-day-n176197.html